Vào TPP, doanh nghiệp không "số hóa" sẽ thất bại

Trong kỷ nguyên số, để tồn tại và phát triển, mỗi công ty đều phải trở thành công ty công nghệ thông tin (IT), mỗi một doanh nghiệp đều phải là doanh nghiệp công nghệ số.

Vào TPP, doanh nghiệp không "số hóa" sẽ thất bại - 1

Ông Trần Nhất Minh – Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng công nghệ số, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)

Đó là khẳng định của ông Trần Nhất Minh – Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Ngân hàng công nghệ số, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tại hội nghị lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam 2016 vừa mới diễn ra tại TP.HCM.

Trong bài tham luận về chuyên đề “Lợi thế cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam từ góc nhìn công nghệ số”, ông Minh nói rằng có 5 yếu tố tác động của môi trường bên ngoài đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Xem thêm: Số hóa quy trình HPT

Cụ thể, các yếu tố này gồm thói quen tiêu dùng của khách hàng trên thiết bị di động, sự thay đổi rất nhanh của công nghệ, sự kiện Việt Nam gia nhập TPP và AEC, định hướng công nghệ của các đối thủ cạnh tranh và đặc biệt là sự xuất hiện của các công ty công nghệ đột phá dẫn đầu.

Theo ông Minh, hiện tại người tiêu dùng đã thay đổi thì doanh nghiệp cũng cần thay đổi, nhưng thay đổi này rất phức tạp. Thay đổi cần có sự sáng tạo, cần có năng lượng, lãnh đạo, nhân sự và quan trọng là thay đổi cần đi từ công nghệ số.

“Nokia làm mọi điều đều đúng nhưng đối thủ của họ đúng hơn. Apple đã chiến thắng Nokia bằng công nghệ. Hay như Kodak đã tồn tại hàng trăm năm, thế nhưng khi thấy người tiêu dùng chụp ảnh bằng công nghệ số mà không thay đổi nên dẫn đến bị xóa sổ. Sáng tạo rất quan trọng, người lãnh đạo rất quan trọng và công nghệ cũng rất quan trọng”, ông Minh nhận định.

Lãnh đạo VIB cho rằng doanh nghiệp hay ngân hàng không thể tồn tại một mình, bởi vì dù có giỏi đến đâu, nội bộ muốn thay đổi như thế nào thì thị trường vẫn có thể thay đổi nhanh hơn rất nhiều. Ngày xưa quá trình thay đổi có thể trải qua hàng thập niên, tuy nhiên hiện tại thì chỉ cần sau một đêm mọi điều thay đổi đều có thể xảy ra.

Trên thị trường, sự xuất hiện của các công ty công nghệ đột phá dẫn đầu như là Uber, Facebook, Apple là một minh chứng cụ thể.

“Chúng ta có thể nhìn nhận Uber giống như một ngân hàng công nghệ số bởi ở Việt Nam hiện nay, nếu bạn muốn làm tài xế Uber thì có thể được vay đến 90% hoặc gửi tiết kiệm, điều này cạnh tranh với ngân hàng. Hay như năm 2003, có một công ty ở Mỹ chưa bao giờ làm ô tô đã lập ra một công ty khởi nghiệp với ô tô điện. Thời điểm đó, ý tưởng này thật điên rồ, thế nhưng cách đây vài tháng họ đã bán 270.000 chiếc ô tô điện chỉ trong vòng vài giờ. Đây là bằng chứng về sự đột phá. Cũng như xu hướng Uber là công ty vận chuyển nhưng không sở hữu phương tiện nào. Facebook là công ty truyền thông nhưng không sở hữu bất cứ nội dung nào mà nội dung là của khách hàng”, ông Minh cho biết thêm.

Do đó, vị lãnh đạo ngân hàng này khẳng định dù mọi người có yêu cách làm việc, cạnh tranh hiện tại thế nào đi nữa nhưng nếu không thay đổi thì sẽ bị xóa sổ. Trong kỷ nguyên số hóa này, để tồn tại và phát triển, mỗi công ty đều phải trở thành công ty IT, mỗi một doanh nghiệp đều phải là doanh nghiệp công nghệ số.

Thị trường ngân hàng cũng phải đối diện với yêu cầu thay đổi theo hướng công nghệ số. Bản thân ngân hàng VIB của ông Minh cũng phải mất tới 4 năm để chuyển đổi trong việc đón đầu sự thay đổi về công nghệ số.

“Cách đây 4 năm, khi khách hàng đến ngân hàng sẽ thấy trên bàn lãnh đạo là hàng chồng giấy tờ, ngày nay ở VIB là bàn làm việc rất ít giấy vì hơn 90% quy trình làm việc đã được xử lý trên máy tính.

Với khách hàng của VIB, ngoài kênh chi nhánh truyền thống, họ luôn có thể dễ dàng tương tác với ngân hàng qua các kênh công nghệ số (website, internet banking, mobile banking, live-chat, Facebook) một cách thuận tiện, an toàn, mọi lúc mọi nơi và luôn có cùng một trải nghiệm với tất cả các kênh. Số hóa là điều không thể tránh khỏi nếu chúng ta muốn phục vụ khách hàng tốt nhất và gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Minh khẳng định.